Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Rong chơi trong vườn mận chín

Rong chơi trong vườn mận chín
12/01/2012 08:56 (GMT +7)
Ở đồng bằng sông Cửu Long, làm du lịch vườn đông nhất, giỏi nhất có lẽ không đâu bằng nhà vườn ở cù lao An Bình.
Bà Phạm Thị Lý, chủ vườn mận Ngọc Lý hồi tháng 9 đã không ngại đường xa lên tận Sài Gòn để quảng bá: “Từ tháng chạp mận chín, mời mọi người về chơi. Qua sông, qua phà nhưng dễ đi, dễ đến”.
Khách ở vườn mận Ngọc Lý. Ảnh: Các Ngọc
Hình ảnh một nhà vườn nói năng chất phát nhưng trên tay cầm cả xấp tờ rơi phát đến từng giám đốc công ty lữ hành, khiến chúng tôi nhớ đến mùa mận phải về cù lao An Bình.
Nhà vườn làm du lịch
Những ngày đầu tháng chạp, các con đường quanh công viên Sông Tiền ở thành phố Vĩnh Long khá đông khách du lịch trong và ngoài nước. Hoà vào dòng khách du lịch trên phố là những chủ đò không ngớt mời mọi người đi chơi vườn mận bên kia sông, nói thách 250.000 – 300.000 đồng một chuyến khứ hồi, nhưng khách trả giá khoảng 200.000 đồng thì... đi ngay. Tại bến phà ở công viên Sông Tiền, người xếp hàng chờ qua phà khá đông để đi chơi vườn mận. Chỉ 15 phút sau, phà cập bến cù lao An Bình (xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Ngay lối ra cổng phà, theo số điện thoại trên bảng hướng dẫn, chúng tôi gọi hỏi lối vào, được bảo là đi xe honda ôm trả 15.000 đồng/lượt.
Đường tráng ximăng rộng chỉ vừa hai xe gắn máy. Vừa qua ngả rẽ, tôi đã nghe tiếng cười nói vang ra từ những vườn mận đang có trái chín đỏ cây. Bác xe ôm vừa chạy vừa giới thiệu trên cù lao này có hơn chục vườn mận làm du lịch nhiều năm có tiếng như Ngọc Lý, Tám Lộc, Chí Sang, Chín Mai, Bảy Hồng.
Vườn mận chín thấy mà mê, trái đỏ từng chùm sà xuống dưới gốc cây hay chỉ ngang tầm với tay. Cạnh tranh thu hút khách nên cách phục vụ ở các vườn mận gần như nhau. Khách chỉ vào chơi, tự hái mận ăn thì chủ vườn bán giá bao bụng 20.000 – 25.000 đồng/khách, ăn – chơi – nghỉ ngơi đến khi nào chán thôi. Còn khách muốn dùng bữa ăn chính, chủ vườn không tính tiền ăn mận, chỉ tính thực đơn khách đặt. Tuy vật giá tăng, nhưng muốn giữ khách, các chủ vườn mận vẫn duy trì giá món ăn, thức uống bằng với mùa mận năm ngoái. Vườn nào cũng có những lều tranh dưới tán cây mận, trong lều treo võng cho khách nằm thư giãn và có bàn ghế để khách ngồi ăn uống. Thời công nghệ phát triển, nhà vườn làm du lịch cũng biết vận dụng, vườn nhỏ thì khoảng 5 – 6 công vườn, vườn rộng đến 1 – 2 hecta và để việc phục vụ được nhanh, chu đáo. ở mỗi lều, chủ vườn đều ghi số điện thoại nhận yêu cầu của khách. Dù ngồi ở lều gần cổng hay lều xa cuối vườn, cần thêm món ăn hoặc gọi tính tiền... khách chỉ việc dùng điện thoại gọi.
Không chỉ có vườn mận, còn nhiều thú vui khác
 
Khác với sự e dè của nhà vườn vú sữa ở Vĩnh Kim (Tiền Giang), nhà vườn quýt hồng ở Lai Vung (Đồng Tháp) hay nhà vườn chôm chôm ở Chợ Lách (Bến Tre), những nơi có diện tích chuyên canh cây ăn trái lớn nhưng không tổ chức du lịch, các nhà vườn trồng mận ở xã An Bình, huyện Long Hồ mạnh dạn và biết cách tăng thu nhập.
Bà Lý kể, năm 2000 khi phá 12 công vườn nhãn da bò đã xuống sức để trồng mận An Phước, bà không tính làm du lịch, “chỉ mong cây mận cho thu nhập khá hơn nhãn”. Khi mận có “trái chín” cũng là lúc công ty Vinh Sang mở điểm kinh doanh du lịch đối diện vườn nhà bà. Vinh Sang thấy mận ngon, mua cho khách dùng. Thấy vườn mận bà Lý thoáng mát, nhiều khách ở Vinh Sang ghé qua chơi, thưởng thức mận, rồi có nhu cầu nằm võng nghỉ ngơi và ăn uống. Gia đình bà Lý quyết định lấy vườn mận làm thành điểm du lịch và vườn mận Ngọc Lý ra đời từ năm 2003. Hiện nay, 12 công vườn làm du lịch của bà Lý có đến 900 gốc mận, với 40 lều lá dừa cho khách nghỉ. Vào mùa mận, mỗi ngày thường bà đón khoảng 50 khách. Dịp lễ, tết, bà phải trải thêm những tấm bạt nhựa cho khách ngồi trong vườn. Mùa mận này bà mở thêm dịch vụ nhà nghỉ cho khách ở xa muốn có thêm thời gian hưởng không khí sông nước. Thấy khách hái làm trái non rụng tơi tả, tôi hỏi bà Lý không sợ khách làm hư vườn, cây sẽ mau suy sao. Bà Lý nói: “vườn nào làm du lịch phải chịu cho khách thoả thích. Thu nhập của gia đình chủ yếu nhờ vườn mận làm du lịch, hiện giờ gấp 10 lần so với năm 2003”.
Nhà vườn Bảy Hồng cũng thấy cơ hội phát triển du lịch vườn ở cù lao An Bình nên quyết định nâng vườn mận lên thành khu du lịch sinh thái An Bình. Bên cạnh vườn mận, gia đình mở thêm khu nuôi cá sấu, cá nước ngọt cho khách tham quan, câu cá giải trí, tổng cộng đến 2 hecta. Khách câu được cá tai tượng, cá điêu hồng liền chế biến món ăn tại chỗ.
Vào vườn mận Chí Sang, chủ nhà dành một góc vườn rộng đào mương làm thêm dịch vụ tát mương bắt cá, nướng trui tại lều cho du khách thưởng thức. Khi rảnh tay chủ vườn Chí Sang hướng dẫn khách cách hái mận ngon mà không hao rụng trái non. Chủ vườn cho biết: “Mấy năm nay mận hái bán tại vườn thôi đã không đủ cho khách du lịch mang về”.
Ý thức quảng bá đã hình thành ở những nhà vườn trên cù lao An Bình. Họ bắt đầu chăm chút cho những tấm bảng dẫn đường đẹp hơn để khách chú ý, in danh thiếp gửi khách hoặc in phiếu tính tiền có thương hiệu vườn mận, địa chỉ, số điện thoại hẳn hoi.
Theo Các Ngọc
SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét